Chiều 26.6, thảo luận về dự án luật Dược sửa đổi, nhiều đại biểu đề nghị rút ngắn thời gian cập nhật danh mục thuốc được BHYT chi trả, nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người bệnh.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà

Người bệnh thiệt thòi

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP.Hà Nội) cho biết, danh mục thuốc được BHYT chi trả là một trong những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.

Hiện nay, danh mục này đang được quy định tại Thông tư số 20/2022 của Bộ Y tế, bổ sung thêm 7 hoạt chất so với quy định tại Thông tư số 30/2018. Thế nhưng, những hoạt chất bổ sung lại chỉ được quỹ BHYT thanh toán trong điều trị Covid-19, trong khi có thể được chỉ định điều trị trong nhiều trường hợp thiết yếu khác.

Bà Hà cho rằng, ngành công nghiệp dược đang có những tiến bộ về khoa học, có nhiều thuốc thế hệ mới hoặc một số dạng bào chế đặc biệt làm tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Vì thế, việc chậm ban hành và ít cập nhật danh mục thuốc được BHYT chi trả sẽ làm ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận các phương thức điều trị mới tiên tiến trên thế giới.

Đồng thời, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, những người chỉ trông chờ vào BHYT để được khám bệnh, chữa bệnh.

Từ thực tiễn đã nêu, nữ đại biểu đề nghị luật hóa, bổ sung vào dự thảo quy định về việc ban hành danh mục thuốc được BHYT chi trả.

Nội dung bổ sung bao gồm các nguyên tắc, điều kiện, quy trình, thủ tục bổ sung thuốc vào danh mục được BHYT trả. Việc cập nhật danh mục phải thực hiện hằng năm và giao Bộ Y tế quy định chi tiết điều này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí

Đề nghị cập nhật danh mục hàng năm

Cùng quan tâm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) dẫn chứng từ năm 2011 đến nay mới có 4 lần ban hành thông tư về danh mục thuốc thanh toán BHYT.

Như vậy, cứ 3 - 4 năm mới ban hành một thông tư, mới bổ sung danh mục thuốc một lần. Lâu là thế, nhưng ở mỗi thông tư, số lượng thuốc bổ sung lại rất ít ỏi.

Ông Trí lấy ví dụ Thông tư số 20/2022 của Bộ Y tế chỉ bổ sung thêm 7 hoạt chất, nâng tổng số lên 1.037 hoạt chất, so với 1.030 hoạt chất được quy định tại Thông tư số 30/2018.

Theo vị đại biểu, khoa học công nghệ tiến nhanh như vũ bão, các thuốc mới ra đời nhanh và nhiều. Các phác đồ điều trị mới cũng liên tục xuất hiện, làm thay đổi chất lượng điều trị bệnh, nhất là các bệnh khó, bệnh ác tính.

Thực tiễn trên cũng phản ánh rằng, sự chậm trễ 3 - 4 năm mới bổ sung một lần và bổ sung ít ỏi số lượng hoạt chất vào danh mục thuốc BHYT đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng điều trị cho người.

"Đó là nguyên nhân người Việt Nam vẫn không ngừng ra nước ngoài điều trị vì mới có thuốc và có thuốc mới để điều trị", ông Trí nói.

Ông Trí đề nghị dự thảo luật cần có thêm nội dung quy định danh mục thuốc là công việc của Bộ Y tế và cho cán bộ y tế dùng để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Danh mục này phải được bổ sung hàng năm.

Ngoài ra, vị đại biểu đoàn Hà Nội còn đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng một điều khoản quy định về điều chỉnh tỷ lệ đồng chi trả được thực hiện hàng năm, qua đó, bảo vệ tối đa quyền lợi và lợi ích chính đáng của người dân, nhất là bệnh nhân bị bệnh ác tính, phải điều trị lâu dài, có những thuốc phải điều trị trên 3 năm, những người có hoàn cảnh khó khăn...

Ông Trí đề cập tới công văn của Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư gửi Bộ Y tế mới đây, liên quan đến danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

"Tôi biết những người bị ung thư phổi lâu nay điều trị ít khi sống được trên 2 năm, nhưng nếu có thuốc trong bản đề xuất đó, có đến trên 80% sống trên 5 năm, rất mong Bộ Y tế bổ sung sớm", ông Trí nói.